Thời điểm mang thai là khoảng thời gian người phụ nữ nhạy cảm nhất, chính vì vậy, ho là một tình trạng rất hay gặp phải. Theo như khuyến cáo của các chuyên gia, trong thời điểm này, người phụ nữ nên hạn chế sử dụng các loại thuốc để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy nếu lên cơn ho thì các mẹ phải làm như nào? Dưới đây TrueDoc sẽ gợi ý một vài cách trị ho cho bà bầu hiệu quả!
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho
Ho là một hiện tiện rất dễ gặp ở tất cả mọi người. Tình trạng này về bản chất là một phản xạ giúp làm sạch đường hô hấp (đường thở) khỏi các chất gây kích thích.
Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào, biểu hiện bằng những cơn ho khan, ho có đờm,… Khi mang thai, cơ thể của mẹ sẽ có những thay đổi nhất định, nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh, thay đổi nội tiết tố. Chính vì những biến đổi này sẽ làm cho bà bầu cảm lạnh hoặc ho kéo dài.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho ở bà bầu, trong đó phổ biến là do các nguyên nhân sau:
- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Môi trường khói bụi, tiếp xúc với khói thuốc lá, hay làm việc trong phòng kín bật điều hòa,…
- Do bị dị ứng: Bởi cơ địa phụ nữ mang thai rất nhạy cảm, chính vì vậy họ dễ bị dị ứng bởi lông các loại thú cưng, phấn hoa, thay đổi thời tiết thất thường,…, mặc dù trước đó họ không có tiền sử dị ứng với các thành phần này.
- Do sức đề kháng kém: Sức đề kháng kém có thể dẫn đến các căn bệnh viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản – những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ho. Giai đoạn nhạy cảm này cơ thể tương đối yếu, dễ bị các loại virus tấn công.
- Do lưu lượng máu tăng: Bắt đầu từ tuần thứ 4 trong thai kỳ, lưu lượng máu trong cơ thể sẽ gia tăng. Điều này gây ra áp lực cho các mạch máu tại khoang mũi, khiến cho bà bầu bị nghẹt mũi và xuất hiện tình trạng ho kèm đờm.
- Do ảnh hưởng bởi quá trình phát triển của thai nhi: Trong quá trình phát triển của thai nhi, khoang bụng bị tạo áp lực bởi sự phình to của tử cung. Từ đó khiến trào ngược dạ dày, khiến mẹ bị ngứa rát cổ họng và ho khan.
Ho có gây ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Tình trạng ho là một hiện tượng rất bình thường ở những mẹ bầu, chính vì vậy bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Theo như chẩn đoán của các chuyên gia, ho có ảnh hưởng đến thai nhi không còn phụ thuộc vào yếu tố cơ địa của thai phụ và các nguyên nhân gây bệnh.
Về cơ bản, các mẹ bầu sẽ cảm nhận được bụng di chuyển lên xuống khi bị ho, tuy nhiên thì nó không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Bởi vì nước ối có trong bụng giống như một lớp đệm chống sốc cho em bé tránh bị tác động mạnh hay nghe những âm thanh do ho gây ra. Trong trường hợp ho quá mạnh và lâu, các mẹ cũng có thể dùng tay giữ giúp ổn định vùng bụng, tránh bị rung lắc quá nhiều.
Tuy nhiên, nếu thai phụ gặp phải tình trạng ho nhiều kèm theo những triệu chứng bất thường thì hãy đi thăm khám bác sĩ kịp thời, bởi đó có thể là dấu hiệu cho một vài căn bệnh nguy hiểm. Tuyệt đối không được tự dùng thuốc giảm ho, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Trong một số trường hợp, ho nhiều có thể gây co thắt vùng ngực, tạo cảm giác khó chịu cho các mẹ, dẫn đến tình trạng chán ăn, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của em bé. Ngoài ra, nếu đang trong giai đoạn cuối của thai kỳ, ho quá nhiều dẫn đến co thắt tử cung, khiến động thai hoặc dọa sinh non. Ho quá nhiều cũng có thể do cơ thể nhiễm trùng, nếu không thăm khám có thể dẫn đến mất tim thai.
6 cách trị ho cho bà bầu hiệu quả
Nếu không được dùng thuốc, các mẹ có thể điều trị như thế nào? Dưới đây, TrueDoc sẽ gợi ý cho bạn một vài cách trị ho cho bà bầu hiệu quả, đã được kiểm nghiệm bởi nhiều thai phụ.
1. Sử dụng kết hợp chanh và mật ong
Mật ong và chanh được xem là một “vũ khí” chữa được bách bệnh. Đối với chị em không thể uống được kháng sinh trong lúc mang bầu thì chanh và mật ong sẽ là sự kết hợp tuyệt vời để ngăn chặn những cơn ho khó chịu.
Thành phần của mật ong chứa nhiều vitamin và các loại khoáng chất, giúp chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn. Kết hợp với chanh sẽ đem lại hiệu quả phục hồi tổn thương ở vòm họng, xoa dịu các cơn ngứa hiệu quả.
Cách chữa ho bằng chanh và mật ong được thực hiện như sau:
+ Cho 1 muỗng cà phê mật ong vào khoảng 100ml nước
+ Hòa tan hoàn toàn thì cắt thêm vài lát chanh bỏ vào
Mỗi khi xuất hiện những cơn ho, các mẹ chỉ cần uống 1 cốc nước mật ong và chanh sẽ cảm nhận được hiệu quả rõ rệt ngay. Những cơn ngứa rát sẽ từ từ biến mất. Tuy nhiên có một lưu ý nho nhỏ đối với thai phụ, nếu đang đói thì không nên áp dụng phương pháp này.
2. Sử dụng lá hẹ
Lá hẹ hấp là một cách trị ho cho bà bầu tại nhà vô cùng hiệu nghiệm. Bởi trong thành phần của lá hẹ có chứa các hoạt chất kháng khuẩn như odorin, saponin, từ đó ức chế hoạt động của các loại virus và vi khuẩn gây bệnh trong đường hô hấp. Bên cạnh đó, lá hẹ còn được coi là một loại thực phẩm có khả năng giúp tiêu đờm và làm dịu cổ họng.
Cách trị ho bằng lá hẹ thực hiện như sau:
+ Rửa thật sạch lá hẹ và để cho ráo nước
+ Cắt nhỏ lá hẹ thành từng đoạn và cho vào hấp cách thủy trong khoảng 15 đến 20 phút
+ Lấy ra cho nguội và lọc lấy nước để uống, bạn cũng có thể ăn trực tiếp lá hẹ đã hấp chín
3. Sử dụng lá tía tô
Tía tô là một bài thuốc dân gian đã được lưu truyền từ lâu, có tác dụng chữa ho và tiêu đờm hiệu quả, đặc biệt còn có khả năng an thai. Đây cũng là một cách trị ho cho bà bầu tại nhà mà các bạn nên tham khảo.
Cách trị ho bằng tía tô thực hiện như sau:
+ Lấy một ít lá tía tô rửa sạch, kết hợp thêm trứng gà, gừng và gạo tẻ
+ Lấy gạo nấu thành cháo
+ Cho trứng gà vào và khuấy đều
+ Lấy gừng và lá tía tô thái nhỏ thành sợi, cho vào cháo, để nguội và dùng
Cách làm này còn tương đối hiệu quả nếu như các bà bầu có triệu chứng sốt. Bên cạnh đó, nếu có khả năng thì bạn nên kết hợp dùng cháo tía tô với liệu pháp xông hơi với sả.
4. Sử dụng gừng hoặc tỏi
Gừng và tỏi cũng là 2 nguyên liệu phổ biến trong việc chữa trị ho khan. Gừng là một loại nguyên liệu có tính nóng, giúp giải cảm và làm ấm cho cơ thể, giúp xoa dịu các cơn ngứa trong cổ họng.
Với gừng các bạn có thể điều trị theo các bước sau:
+ Gừng tươi bỏ vỏ, giã nát và lấy nước cốt
+ Hòa nước cốt gừng cùng nước cốt chanh và mật ong theo mức độ phù hợp
+ Trộn đều hỗn hợp với nước ấm
+ Sử dụng trong ngày thành nhiều lần
Bên cạnh đó, thành phần kháng viêm và sát khuẩn của tỏi cũng được xem là “công cụ” chữa ho hoàn hảo. Cách trị ho với tỏi được thực hiện như sau:
+ Rửa sạch vài tép tỏi
+ Gói tép tỏi vào trong 1 lớp giấy bạc và đem nướng
+ Sau khi nướng chín thì bóc vỏ và giã nát thành bột mịn
+ Khuấy đều với nước và sử dụng ngày 3 lần
5. Sử dụng chanh đào
Chanh đào có lượng vitamin C dồi dào giúp tiêu viêm vô cùng hiệu quả. Hơn nữa, thành phần của chanh đào còn có kali tốt cho thận. Chính vì vậy, không chỉ có tác dụng giảm ho mà bạn còn có thể tăng cường sức khỏe nhờ loại quả này.
Cách trị ho cho bà bầu bằng chanh đào như sau:
+ Lấy nước muối pha loãng rửa sạch chanh đào
+ Đem thái lát hoặc bổ đôi miễn sao giữ lại hạt
+ Ngâm chanh đào trong bình thủy tinh với mật ong
+ Sau khi ngâm khoảng 15 ngày đến 1 tháng có thể sử dụng trực tiếp hoặc pha thêm với nước ấm
6. Kết hợp xông hơi với sả
Ngoài thực hiện các phương pháp như TrueDoc đã giới thiệu bên trên, các mẹ bầu cũng có thể kết hợp xông hơi với sả để có kết quả nhanh và chính xác nhất. Mùi hương của sả sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, đồng thời hơi nóng khi xông sẽ giúp dẫn lưu dịch tiết hô hấp ra ngoài.
Cách thực hiện xông hơi với sả như sau:
+ Chuẩn bị chanh và sả
+ Rửa thật sạch, sau đó vò nát lá chanh và đập nát sả
+ Cho nguyên liệu vào đun sôi với nước
+ Xông hơi trong vòng 15 đến 20 phút, sao cho đổ nhiều mồ hôi
+ Sau khi xông hơi xong phải dùng khăn thấm sạch mồ hôi trên người
Những cách trị ho cho bà bầu trên đây tương đối dễ thực hiện và có thể áp dụng ngay tại nhà. Nếu đang gặp tình trạng ho khó chịu, các bạn hãy tham khảo nhé!